TRÁCH NHIỆM THỜ CÚNG TỔ TIÊN (BÀI 4) - HỌ PHẠM QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG
                       

TRANG CHỦ » HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ » LỄ NGHI GIA ĐƯỜNG VÀ DÒNG TỘC » TRÁCH NHIỆM THỜ CÚNG TỔ TIÊN (BÀI 4)

TRÁCH NHIỆM THỜ CÚNG TỔ TIÊN

                                                                                                         Phạm Thúc Hồng  

I/ TRÁCH NHIỆM THỜ CÚNG TẠI TỪ ĐƯỜNG

            Trong xã hội phong kiến, việc tế tự, quản lý, bảo quản từ đường Thủy tổ, từ đường Phái, từ đường Chi do con trưởng, cháu trưởng phụ trách, gọi là đích tử, đích tôn (con cháu của người vợ chính)

            Con trai trưởng của đích tử gọi là đích tôn. Cứ như thế cha truyền con nối tiếp tục đứng đầu dòng tộc và làm chánh tế trong các lễ cúng tại từ đường.

Nếu đích tử mất sớm, người con còn nhỏ thay thế gọi là “đích tôn thừa trọng” (người cháu nối tiếp người con để phụng thờ ông bà). Thế hệ ông chú, chỉ làm cố vấn, hướng dẫn.

            -Từ đường Thủy tổ do Tộc trưởng là đích tôn toàn tộc đứng đầu

            -Từ đường Phái do Trưởng Phái là đích tôn trong Phái đứng đầu

            -Từ đường Chi do Trưởng Chi là đích tôn trong Chi đứng đầu.

            Bên dưới Tộc trưởng có 3 bộ phận chuyên môn giúp việc gồm:

-Ban Tư* Lễ : Tổ chức thực hiện nghi lễ cúng tế như lễ vật, nhạc cụ, trần thiết bàn thờ…

-Ban Tư Thị : Mua vật thực tại chợ để chế biến thức ăn, tổ chức ăn uống khi có lễ tế…

-Ban Tư Văn: Chuyên lo việc viết văn cúng, đọc văn cúng, ghi chép gia phả hàng năm.

*Tư , còn đọc là Ty, có nghĩa tổ chức quản lý công việc .
Ví dụ: Ty Giáo dục, Ty Công An…) . Thị
: Chợ

Tộc trưởng quản lý nhà đất, tài sản, khí mãnh, tài chánh trong nhà thờ tộc.

Thời nay, tộc trưởng không còn giữ vị trí độc tôn như trước. Từng tộc đã mở rộng tính cộng đồng trách nhiệm. Tất cả con cháu trong tộc đều có quyền lợi và trách nhiệm bình đẳng trong tộc nhưng vẫn tôn trọng quan hệ tôn ti theo huyết thống, kính trọng các bậc huynh trưởng vì đặc điểm tổ chức dòng tộc khác với tổ chức chính trị, xã hội.

Từng dòng tộc tổ chức đại hội để cử Hội đồng Gia tộc từ 10 đến 15 thành viên từ gồm những người đại diện các Phái, Chi, những người có uy tín, năng lực tổ chức quản lý.

Hội đồng Gia tộc phân công:

-Tộc trưởng 

-Phó tộc trưởng

-Thư ký

-Thủ quỹ

-Các ban chuyên môn:

 +Ban Nghi lễ (xưa là Ban Tư lễ và Ban Tư văn)

 +Ban Tài chánh (xưa do tộc trưởng quản lý)                                  

 +Ban Ẩm thực (xưa là Ban Tư thị)

II /TRÁCH NHIỆM THỜ CÚNG TẠI GIA TỪ

Người con trai trưởng mang họ cha sẽ là người kế tục sự nghiệp của cha ông để lại, được thừa hưởng phần tài sản gọi là hương hỏa, kèm theo trách nhiệm duy trì và tiếp nối tập tục thờ cúng tổ tiên của dòng họ.

Tất cả  những  thành  viên  trong  gia đình có  bổn phận

phục tùng và chấp hành những quyết định của người trưởng tộc, người chủ gia đình hoặc của người con trai trưởng.

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có sự phân biệt giữa nam và nữ. Con trai có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ và tổ tiên, con gái đi lấy chồng thì phải theo chồng, có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên nhà chồng.

            Thực chất, đó là sự phân công lao động và xác định vị trí trong gia đình thời phong kiến. Người đàn ông là trụ cột, người đàn bà là nền tảng.

Khi người phụ nữ trở thành con dâu thì có vai trò và quyền hạn hơn những người con gái trong gia đình. Với quyền hạn đó người con dâu phải có trách nhiệm tương xứng lo toan những công việc của nhà chồng trong đó có lễ cúng giỗ.

            Từ một người xa lạ về ở nhà chồng nếu không có những sự gắn bó trên, người phụ nữ  sẽ lạc lõng và cô đơn biết bao nhiêu!

*

Từ xưa, quan điểm dân gian về thờ cúng Tổ tiên đã thừa nhận định lệ “vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn”(không trai dùng gái, không con dùng cháu).

Nhưng do bảo thủ, lợi dụng quyền lợi, tiền tài từ gia tài hương hỏa, một số người tìm cách từ chối định lệ trên, tước bỏ thô bạo nghĩa vụ và quyền lợi của người con gái đối với Tổ tiên ông bà.

Khi người con gái “vu quy” không được thờ phụng cha mẹ tại nhà  riêng của mình.

Nếu gia đình chỉ sinh con gái thì phải nhờ một người đàn ông khác, thường là em trai hoặc cháu trai trong dòng họ nội thờ cúng. Quan niệm “nữ sanh ngoại tộc”, “trọng nam khinh nữ”,  “nhất nam viết hữu,  thập nữ viết vô”  thể hiện  thái

độ bất nhân, thiếu công bằng cần phải loại trừ ra khỏi đời sống xã hội hiện đại. Xã hội phong kiến không còn nữa. Hãy trả bất công đó vào quá khứ.

Thời nay, người con gái có chồng đã xây dựng nhà riêng thì thờ cúng cha mẹ ruột mình ngang hàng với cha mẹ chồng. Được thờ cúng cha mẹ là hạnh phúc, là niềm hãnh diện của người làm con, dâu, rể.

*

Trong xã hội phong kiến quy định truyền tự cho dòng con trưởng. Dòng con cháu người con trưởng thờ cúng ông bà cha mẹ.

Dòng con thứ chỉ “thờ vọng” cha mẹ ông bà. (Vọng 望: Trông xa, trông mong).

“Thừa tự”, “thờ vọng” là sản phẩm của chế độ phong kiến và nền sản xuất nông nghiệp đã lui vào quá khứ.

Ngày nay, quan điểm bình đẳng được đề cao, mọi thành viên trong gia đình đều là con người, tất nhiên phải có quyền lợi nghĩa vụ ngang nhau.

Là con trong gia đình, ai cũng có quyền nhận thừa kế và thờ cúng ông bà cha mẹ ngang nhau nhưng phải  thương yêu, nhường nhịn, hy sinh, chia sẻ vì có gắn bó thiêng liêng huyết thống. Đó chính là thực hiện truyền thống “Hiếu-Đễ” (Hiếu 孝: Hết lòng thờ kính cha mẹ ; Đễ 悌: kính nhường các bậc huynh trưởng)

Ai lập gia đình và đã xây dựng nhà riêng đều có quyền thờ cúng gia tiên từ cấp Tằng tổ trở xuống.

Trong đó, anh em trong gia đình phân công mỗi người phụ trách tổ chức một đám giỗ cụ thể (giỗ Cha, giỗ Mẹ, ông Nội…).

Ngày nay, mỗi gia đình cần phân định trách nhiệm thờ cúng cha mẹ, ông bà là bổn phận bình đẳng chung của con trai và con gái nhưng tuân theo sự phân công cổ truyền như sau:

            -Các con trai phụ trách

            -Nếu không có con trai thì các con gái phụ  trách

           -Nếu không có con trai, con gái thì các cháu nội

phụ trách (có thể tổ chức hiệp kị)

-Nếu không có con trai, con gái, cháu nội thì các cháu ngoại phụ trách (có thể tổ chức hiệp kị)

Về chi phí lễ giỗ, nếu không có phần thừa tự hương hỏa thì anh em con cháu nội ngoại trong gia đình chung góp tiền của để cúng giỗ (ngày xưa gọi là góp giỗ) phù hợp truyền thống gia phong và đặc điểm từng gia đình.

 “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tùy điều kiện tài chánh, địa dư, số lượng thành viên mà phân công tổ chức lễ giỗ với tinh thần đoàn kết thương yêu, cảm thông, chia sẻ.

Về địa điểm lễ giỗ thường phân công: Con trai thứ 1: Giỗ cha ; Con trai thứ 2: Giỗ mẹ ; Con trai thứ 3: Giỗ ông bà nội,.v.v…

Thừa tự có nghĩa khác nhau theo hình thức chữ Hán

               Thừa 承: vâng chịu, tuân theo

-Thừa tự 承 嗣 (Tự 嗣: Con nối dòng) là người con nối tiếp sự  nhiệp của cha ông

-Thừa tự 承 祀 (Tự 祀: Thờ cúng) là tuân theo, chăm lo việc thờ cúng.

Ngày xưa,  thờ cúng do người  con  trai trưởng là người

con thừa tự  nhận tài sản, của cải ông bà, cha mẹ để làm sinh kế mưu sinh và thừa tiếp việc thờ cúng.

Ngày nay, việc lập “thừa tự” rất cần thiết tạo ra điều kiện tài chánh nhằm duy trì thường xuyên việc lễ giỗ và sinh hoạt dòng tộc. Đây là kế hoach kinh tài lâu dài của dòng tộc.

Tại toàn tộc, của cải “thừa tự” do con cháu có lòng hảo tâm hiến cúng bằng tiền mặt, nhà cửa, đất đai, cửa hàng để kinh doanh sinh lợi.

Tại gia đình, của cải “thừa tự” do ông bà, cha mẹ để lại được thực hiện qua 2 hình thức:

-Một là, cha mẹ chia đều tài sản cho các con. Các con có quyền lợi tất nhiên phải thực hiện nghĩa vụ truyền đời là tiếp tục thờ cúng Tổ tiên.

-Hai là, tùy theo ý chí của cha mẹ, có thể để lại một phần tài sản (nhà cửa, vườn, cửa hàng…) để làm nơi thờ tự và kinh doanh sinh lời phục vụ cúng giỗ.

Tùy theo hoàn cảnh từng dòng tộc, từng gia đình mà phân công thực hiện, ràng buộc pháp lý rõ ràng, tránh tranh chấp tài sản chung về sau, làm đổ vỡ tình cảm huyết thống gia tộc.

*

            Trong trường hợp, một gia đình có nhiều lễ giỗ,nên tổ chức hiệp kị, tức là tổ chức lễ giỗ nhiều vong linh chung 1 lần.

            -Hiệp 合 (còn gọi là Hợp): Chung gộp lại

            -Kị 忌 ( Kỵ gồm các nghĩa: Ngày mà ông bà, cha mẹ qua đời ; ngày giỗ ; kiêng cử, nể sợ) là ngày cúng giỗ ông bà, cha mẹ đã qua đời cần tránh những công việc khác và điều xấu để tập trung chăm lo lễ cúng giỗ.

            Trong nhiều ngày giỗ của người thân trong gia đình nên chọn một ngày tổ chức hiệp kị và trở thành lễ lệ thường niên gia đình để con cháu về dự.

            Thông thường chọn là ngày giỗ có thế hệ cao nhất như ông bà Cố, hoặc ông bà Nội…

By Editor

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *