GIA PHẢ CHỮ HÁN
Phạm Thúc Hồng
I/QUÁ TRÌNH RA ĐỜI GIA PHẢ CHỮ HÁN
Quốc gia có quốc sử, quốc pháp. Gia tộc có gia phả, gia quy.
Gia phả (còn gọi tộc phả, tông phả, phả hệ) là bản ghi chép theo thứ tự sinh hạ gồm tên, tuổi, quê quán, ngày sinh, mất, tên vợ con . . . của một gia đình dòng tộc.
Tông đồ là bản vẽ đường dẫn huyết thống sinh hạ trong một dòng tộc.
Trong một dòng tộc, cá nhân không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ kế thừa đời trước và truyền lại đời sau.
Nếu không có gia phả và tông đồ sẽ không có dòng tộc.
Các dòng dõi vua quan gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng như Ngọc phả, Ngọc điệp…
(Ngọc điệp 玉 牒: Gia phả dòng tộc cao quýNgọc điệp 玉 牒: Gia phả dòng tộc cao quý)
Lúc đầu, gia phả xuất hiện chỉ trong Hoàng tộc cùng giới quan lại.
Gia phả đầu tiên của nước ta là Hoàng Triều Ngọc Điệp của nhà Lý soạn vào năm 1026.
-Nhà Trần có Hoàng Tông Ngọc Điệp.
-Nhà Lê có Hoàng Lê Ngọc Phả
-Nhà Nguyễn lập Tôn Nhân phủ và Bản triều Ngọc phả
Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại rồi lan rộng đến tầng lớp bình dân.
Trước đây, gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán – Nôm
Sau năm 1945, nhiều bản gia phả lập bằng 3 văn tự song song : chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Ngày nay, hầu hết gia phả được viết bằng chữ Quốc ngữ
Tục làm gia phả phát triển mạnh ở hai miền Bắc bộ và Trung bộ. Nam bộ rất ít gia đình làm gia phả mà chỉ lập tông đồ.
II/CÁCH XƯNG HÔ TRONG GIA PHẢ CHỮ HÁN
Gia phả chữ Hán do người trưởng tộc đứng tên lập và làm vị trí trung tâm để xưng hô (xưng hô theo quan hệ với trưởng tộc).
Do vậy việc lập gia phả rất phức tạp khi phân chia Phái, Chi, xưng hô theo trực hệ, bàng hệ …
Sau đây là bảng đối chiếu xưng hô:
1/ THẾ HỆ TRƯỚC NGƯỜI LẬP GIA PHẢ
Quan hệ | Từ ngữ Hán Việt | Từ ngữ thuần Việt |
Trực hệ | Thân phụ, thân mẫu | Cha, mẹ ruột |
Hiển khảo tỷ | Cha mẹ đã mất | |
Tổ phu, tổ mẫu | Ông, bà Nội | |
Hiển tổ khảo, tỷ | Ông, bà Nội đã mất | |
Tằng tổ khảo, tỷ | Ông, bà Cố | |
Cao tổ khảo, tỷ | Ông, bà Tổ | |
Cao cao tổ khảo, tỷ | Cha mẹ của ông bà Tổ | |
Cao Cao Cao tổ khảo, tỷ | Cha mẹ của ông bà Tổ | |
Cứ thêm một đời trước đời Cao Tổ thì thêm 1 chữ Cao | ||
Thủy Tổ | Ông Tổ đời thứ nhất | |
Thái Thủy Tổ | Cha của ông Thủy Tổ | |
Thái Thái Thủy Tổ | Ông Nội của ông Thủy Tổ | |
Thái Thái Thái Thủy Tổ | Ông Cố của ông Thủy Tổ | |
Cứ thêm một đời trước đời Thủy tổ thì thêm 1 chữ Thái | ||
Bàng hệ | Bá khảo tỷ | Vợ chồng bác |
Thúc khảo tỷ | Vợ chồng chú | |
Cô | Cô | |
Tổ Bá khảo tỷ | Ông bà Nội bác | |
Tổ Thúc khảo tỷ | Ông bà Nội chú | |
Tổ Cô | Bà Nội cô | |
Tằng Tổ bá khảo tỷ | Ông bà Cố bác | |
Tằng Tổ thúc khảo tỷ | Ông bà Cố chú | |
Tằng Tổ cô | Bà Cố cô | |
Cao Tổ Bá khảo tỷ | Ông bà Tổ bác | |
Cao Tổ thúc khảo tỷ | Ông bà Tổ chú | |
Cao Tổ cô | Bà Tổ cô |
2/ THẾ HỆ NGANG HÀNG NGƯỜI LẬP GIA PHẢ
Quan hệ | Từ Hán | Từ thuần Việt |
Trực hệ | Kỷ thân, bản thân | Mình (Người lập gia phả) |
Thân (bào) huynh | Anh trai ruột | |
Thân (bào) tỉ | Chị gái ruột | |
Thân (bào) đệ | Em trai ruột | |
Thân (bào) muội | Em gái ruột | |
Quan hệ hôn nhân | Hôn tỷ , hôn muội | Chị dâu, em dâu |
Luyến huynh, luyến đệ | Anh rể, em rể | |
Bàng hệ | Đường huynh, đệ, tỷ, muội | Anh trai, em trai chị gái, em gái cùng ông nội |
Đồng đường huynh, đệ, tỷ, muội | Anh trai, em trai chị gái, em gái cùng ông Cố | |
Đồng tộc huynh, đệ, tỷ, muội | Anh trai, em trai, chị gái, em gái cùng tộc. |
3/ THẾ HỆ SAU CỦA NGƯỜI LẬP GIA PHẢ
Quan hệ | Từ ngữ Hán Việt | Từ ngữ thuần Việt |
Trực hệ | Thân tử, bào tử | Con ruột |
Thân tôn, nội tôn | Cháu nội | |
Tằng tôn | Cháu xưng với ông cố | |
Huyền tôn | Cháu xưng với ông tổ | |
Nhĩ tôn | Cháu 10 đời trở lên | |
Viễn tôn | Cháu xa hàng chục đời trở lên | |
Tự tôn | Cháu nối đời | |
Bàng hệ | Điệt tôn | Cháu gọi bằng bác, chú, cô |
C/ HẠN CHẾ TRONG GIA PHẢ CHỮ HÁN
Khi tra cứu Gia phả chữ Hán gặp phải những khó khăn sau:
1/Phần ghi sinh hạ các thế hệ do Tộc trưởng đứng lập, xưng hô nhiều từ Hán cổ làm thế hệ sau khó tra cứu.
2/Bách gia tính là sách xuất hiện trong thời cổ đại Trung Quốc. Trong Bách gia tính mỗi tộc có tổ quán riêng.
Khởi đầu sách “Bách gia tính”, tổ quán Thiên Thủy của tộc Triệu nêu ra trước tiên. Tộc Phạm có tổ quán là quận Cao Bình, tộc Nguyễn có tổ quán là quận Trần Lưu, v.v…
Ngày nay, Bách gia tính không còn phù hợp và không nên áp dụng sẽ gây sự nhầm lẫn giữa địa danh trong sách Bách gia tính và địa danh thực tế của Việt Nam.
3/Viết gia phả cổ viết bằng hai màu mực:
-Mực đỏ: Viết tên những người đang sống.
-Mực đen: Viết tên những người đã mất.
Một khi người có tên mực đỏ qua đời thì dùng mực đen viết lấp đi màu đỏ.
4/Gia phả cổ được viết bằng chữ Hán, bảo quản kính cẩn trên bàn thờ. Gia phả chỉ mở ra khi cúng tế. Con cháu không được tùy tiện xem đọc.
Do vậy tạo ra mâu thuẫn: Muốn giáo dục truyền thống tông tộc nhưng con cháu khó tiếp cận với những thông tin trong gia phả.
Quốc sử cần toàn dân hiểu thì tộc phả cần in sao phổ biến toàn tộc.
Do những khó khăn trên, Gia phả thời nay có sự tiếp biến, cải biên phù hợp thực tế.
Nội dung đề tài này thể hiện trong bài viết “Gia phả ngày nay” sẽ được đăng tải tiếp theo.