THỜ CÚNG TỔ TIÊN TỪ ĐƯỜNG THỦY TỔ (BÀI 2) - HỌ PHẠM QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG
                       

TRANG CHỦ » HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ » LỄ NGHI GIA ĐƯỜNG VÀ DÒNG TỘC » THỜ CÚNG TỔ TIÊN TỪ ĐƯỜNG THỦY TỔ (BÀI 2)

THỜ CÚNG TỔ TIÊN

TỪ ĐƯỜNG THỦY TỔ              

Phạm Thúc Hồng

Gia đình Việt Nam theo chế độ phụ hệ, lấy quan hệ huyết thống cha làm chủ đạo. Những người cùng chung huyết thống chia thành hai bậc:

-Dòng tộc gồm tất cả mọi người cùng chung Thủy tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống.

          -Gia (nhà) gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ và quan hệ hôn nhân.

Thực chất, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên chỉ có 2 nơi thờ cúng:

-Từ đường Thủy tổ: Nhà thờ chung dòng tộc

-Gia từ: Nhà thờ tại gia đình

I/ XÁC ĐỊNH THỦY TỔ CỦA DÒNG TỘC

Dòng tộc có mối quan hệ chung huyết thống kể từ vợ chồng Thủy tổ sinh hạ trở xuống

-Thủy tổ 始 祖 (thủy 始: đầu tiên): Ông tổ đầu tiên (đời thứ nhất) của một dòng tộc, có tên, tuổi, lịch sử bản thân, công trạng, mồ mả ghi trong gia phả.

Ông  bà  Thủy  tổ là  người  khai  sinh ra dòng tộc. Mỗi dòng tộc chỉ có một ông bà Thủy tổ.

          Cha của ông Thủy tổ là “Thái thủy tổ”. Cha của ông Thái thủy tổ là “Thái  thái thủy tổ”  và  nhiều bậc bề trên  nữa  gọi chung là “Lịch đại Thái thủy tổ”.

Từ ông Thái thủy tổ trở lên không có tên trong gia phả.

Từ một vị Thủy tổ sinh hạ các đời kế tiếp là đời thứ hai, đời thứ ba, v.v… cho đến đời hiện tại (đời còn gọi là thế hệ).

Thủy tổ còn gọi là Sơ tổ, Triệu tổ, Tị tổ

-Sơ tổ 初 祖 (sơ 初: mới, trước)  

-Triệu tổ 肇 祖 (triệu 肇: xây dựng ban đầu )
-Tị tổ  鼻 祖 (tị 鼻: đầu tiên, khởi thủy)

          Thủy tổ sinh cư gắn liền với địa danh (thôn, làng, xã) mà gia đình vị Thủy Tổ sinh sống lâu dài trở thành nguyên quán, sinh quán và lâu dài về sau trở thành tổ quán của một dòng tộc.  Ví dụ:

-Nguyễn Tiên Điền (tổ quán Tiên Điền – dòng tộc của Nguyễn Du)

          -Nguyễn Tây Sơn (tổ quán Tây Sơn – dòng tộc của Nguyễn Huệ)

          Thủy tổ (Sơ tổ, Triệu tổ) do con cháu đời sau trong dòng tộc xác định và truy tôn khi lập phả hệ hay lăng miếu.

Minh họa lịch sử:

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà MạcNguyễn Kim (1468-1545), một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, nhờ giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái Sư Hưng Quốc Công.

Về sau,  con cháu nối đời của Nguyễn Kim lập ra nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, truy tôn miếu hiệu  của ông là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế.

II/ TỔ QUÁN

Nguyên quán (còn gọi sinh quán, quê quán, cựu quán) là cấp làng, xã sinh sống lâu dài của ông cha trải qua ít nhất là 3 đời. Mỗi người đều gắn bó tinh thần và vật chất với nguyên quán.

Ở nước ta mối quan hệ này rất đa dạng. Có những làng đầu tiên là nơi cư trú của một dòng họ rồi về sau các dòng họ khác tiếp tục đến cư trú. Có làng chỉ có vỏn vẹn một dòng họ cư trú.

Thủy tổ dòng tộc sinh cư lâu dài ở một vùng đất, khai nghiệp để lại con cháu. Địa danh của vùng đất là nguyên quán của Thủy tổ.     

Tổ quán là nguyên quán của Tổ tiên. Tổ quán xác định địa danh cấp làng, xã, xóm, thôn lập nghiệp đầu tiên của một dòng tộc. Tổ quán là tiêu chí để phân biệt các dòng tộc với nhau, xác định cội nguồn truyền thống.

Ví dụ:

-Tộc Nguyễn Văn, tổ quán xã Phước Trung

-Tộc Nguyễn Văn, tổ quán tại xã Cẩm Phô,

-Tộc Trần, tổ quán tại xã Kim Bồng, v.v…

          Là người Việt Nam, sinh cư lâu đời trên đất nước Việt Nam, tất nhiên có tổ quán của mình là một địa danh Việt Nam, chẳng nên lấy tổ quán trong “Bách gia tính” được soạn ra ở Trung Quốc (như họ Phạm là Cao Bình quận, họ Nguyễn là Trần Lưu quận, v.v…)

III/ THỜ CÚNG TẠI TỪ ĐƯƠNG THỦY TỔ

Từ đường Thủy tổ là nhà thờ chung toàn tộc thờ 4 thành phần chính:

-Ông bà Thủy tổ (đời thứ 1)

-Các đời ông bà Cao tổ hữu tự

-Các đời ông bà Cao tổ vô tự

-Thành phần vô danh suất sảo, tảo thương…

Từ  đời  Cao  tổ trở lên được thờ cúng chung ở từ đường Thủy tổ. Đây là hình thức hợp tự.

          Hàng năm từ đường Thủy tổ (nhà thờ toàn dòng tộc) tổ chức hai lễ cúng thường niên gọi là “Xuân kỳ, Thu tế”, có nghĩa cúng tế vào mùa Xuân và mùa Thu.

(Kỳ : cầu xin ; Tế : dâng cúng)

          Như vậy, mỗi dòng tộc chỉ cần chung sức lập một từ đường Thủy tổ để phụng thờ từ ông Cao Tổ trở lên đến ông Thủy tổ trong dòng tộc.

Minh họa phong tục

Tập tục tang lễ có lễ cáo Từ tổ, tức lễ trình thưa Tiên tổ tại từ đường về họ tên, tuổi của người mất (còn gọi lễ Yết Tổ, lễ Triều Tổ)

Tang chủ thỉnh lư hương và minh tinh (triệu) người mất, lạy trước các gian thờ Tổ như hình thức người mất ra mắt khi được về với Tiên tổ. Trong dân gian gọi là “theoông, theo bà”. Hơn nữa, trong tương lai khi người mất lên bậc Cao tổ cũng được hợp tự tại từ đường Thủy tổ.

          Không nhất thiết xây dựng những từ đường Phái, từ đường Chi, từ đường Nhánh . . .và tổ chức cúng tế nhiều lần, nhiều nơi gây trùng lặp, tốn kém lãng phí công của trong thân tộc.

IV/ thẦn vỊ TỪ ĐƯỜNG THỦY TỔ

          Nhà thờ Thủy tổ phải có các bài vị thích hợp biểu thị nhà thờ chung của toàn tộc.

          Nhà thờ toàn tộc thờ bài vịcao nhất là Thủy tổ. Bài vị đó gọi là “vĩnh tế thần chủ”.

          Từ đường Thủy tổ có 3 hoặc 5 gian thờ:

1/GiaN giỮa

Gian giữa thờ bài vị ông bà Thủy tổ. Phía trên đầu bài vị ghi tổ quán là tên xã hoặc thôn nơi Thủy  Tổ khai cơ lập nghiệp

ban đầu nhằm phân biệt nguồn gốc phát tích của mỗi dòng tộc.

          Ví dụ: Tộc Nguyễn Văn, lập cơ nghiệp tại xã Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Cẩm An
 Nguyễn Văn tộc * Thủy tổ Nguyễn Văn Thanh Phạm Thị Thủy tôn linh

2/ Gian ĐÔng (TẢ, TRÁI)

Gian Đông thờ các thế hệ ông bà Cao tổ có con cháu nối đời cho đến hiện tại (gọi là hữu tự) gồm: Các thế hệ ông bà Cao tổ của bản thân, ông bà Cao tổ bác, ông bà Cao tổ chú và bà Cao tổ cô.

          Các bà Cao tổ cô đã có chồng con, nhưng vẫn được phụng thờ chính thức, mặc dù thành phần này đã được dòng tộc nhà chồng thờ cúng với vai trò là những người mẹ.

Cẩm An
 Nguyễn Văn tộc
* Lịch đại Cao Tổ hữu tự tôn linh

3/Gian Tây (HỮu, PHẢI)

Gian Tây (hữu, phải) thờ các thế hệ ông bà Cao tổ không con cháu nối đời (gọi là vô tự) gồm: Các thế hệ ông bà Cao tổ bác, ông bà Cao tổ chú và bà Cao tổ  cô  đã có chồng, có vợ nhưng không còn con cháu nối đời.

          Nếu các bà Tổ cô đã có chồng con, nhưng bị chồng ruồng rẫy, ly dị không có con cháu thì được phụng thờ chính thức trong nhà thờ tộc của mình.

Thành phần này gọi là các bà “Tổ cô quy tông” tức các bà Tổ cô trở về được thờ cúng chính thức trong dòng tộc của mình.

Cẩm An
 Nguyễn Văn tộc * Lịch đại Cao Tổ vô tự tôn linh

4/Gian thỜ TÙNG TỰ

Tùy theo không gian nội thất, từ đường Thủy tổ còn có hai bàn thờ:

-Tả tùng tự 左 從 祀(Thờ cúng theo hàng Tả/Trái/Đông)

-Hữu tùng tự 右從祀(Thờ cúng theo hàng Hữu/Phải/Tây)

          Thiết đặt thêm hai bàn trên để thờ các vong hồn vô danh, suất sảo, yểu tử, tảo vong tức các thành phần chết trong bào thai, chết lúc nhỏ tuổi chưa có vợ con…. Các vong hồn này qua rất nhiều đời đều quy tụ theo Tổ tiên tại từ đường.

5/ MIẾU  “BÀ TỔ CÔ”  TRONG NHÀ THỜ TỘC

Trong khuôn viên nhà thờ tộc thường có một ngôi miếu rất nhỏ tọa lạc về phía Phải/Hữu/Tây theo hướng mặt  tiền của từ đường vì miếu thờ phụ nữ nên theo vị trí cổ truyền “nam tả, nữ hữu” .

Bà Tổ cô là người phụ nữ trong dòng tộc tài giỏi xinh đẹp nhưng bị chết oan uổng khi còn trẻ tuổi. Vong linh ở cõi vô hình (cõi âm) có nhân duyên tu tập theo đạo Mẫu đạt được sự linh thông. Bà Tổ cô thường xuất hiện răn dạy và độ trì con cháu trong dòng tộc.

Trong mỗi thế hệ có rất nhiều bà Tổ cô, cũng có nhiều bà chết trẻ, chết oan không xác định danh tánh chính xác. Vì vậy, dân gian gọi chung là Bà Tổ cô.

 Theo cổ lệ, tất cả các bà Tổ cô (hữu tự, vô tự) đã được phụng thờ trong nội thất từ đường, là hậu sinh của Thủy Tổ.

Thực chất, miếu Tổ cô trong nhà thờ tộc là hình thức ảnh hưởng thờ Mẫu/Mẹ/Đàn Bà của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thường cầu hồn, lên đồng ở miếu Tổ cô.

          Ngày nay, tất cả vong linh (kể cả bà Tổ cô) đều được thờ phụng chung trong nội thất từ đường.

By Editor

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *