LÚA CHÍN CÚI ĐẦU - ĐỊNH LUẬT CỦA CUỘC SỐNG - HỌ PHẠM QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

Người xưa có câu: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Cây lúa càng chín hạt càng chắc, đầu sẽ rủ xuống, còn cỏ dại thích thể hiện bản thân, lúc nào cũng ngẩng đầu lên. Nhưng bông lúa luôn được coi trọng, cỏ dại lại chẳng được đoái hoài. Hãy cùng suy ngẫm về định luật cuộc sống này, qua câu chuyện sau bạn nhé.

Cách đây rất lâu, Bill Sardinia – chàng thanh niên người Nauy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào Học viện Âm nhạc Paris nổi tiếng. Mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức thể hiện khả năng với một tâm thái tốt nhất nhưng anh vẫn không được tuyển chọn bởi lá phiếu quyết định từ một vị giám khảo nghiêm khắc.

Anh buồn bã lang thang trên các con phố của Paris, không một đồng xu trong người. Thế rồi, anh quyết định dừng lại ở khoảng lề đường không xa Học viện, dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm bắt đầu vang lên theo nhịp kéo. Anh chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe. Đói và khát, cuối cùng anh nâng hộp đựng đàn của mình lên, mọi người xúm lại ân cần bỏ tiền vào hộp thay cho lời tán dương dành cho tài năng trẻ.

Bất ngờ một vị khách có lẽ cũng có mặt từ lâu, dáng vẻ ngạo mạn/khinh thường, rẽ đám đông bước tới, ném những đồng tiền xu xuống dưới chân của anh. Anh ngước mắt nhìn ông ta, sau đó lặng lẽ cúi xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, bước tới đưa cho ông và nói: “Thưa ngài, tiền của ngài rơi xuống đất đây này”. Ông ta cầm tiền, rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của anh và nói: “Tiền này đã là của anh rồi, anh phải nhận lấy”. Anh lại ngước nhìn ông ta, rồi cúi người xuống thật sâu để cám ơn và nói “Thưa ngài, cảm ơn sự giúp đỡ của ngài. Vừa rồi tiền của ngài rơi xuống đất, tôi đã cúi xuống nhặt lên. Bây giờ, tiền của tôi rơi xuống, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi”. Người đàn ông thật sự kinh ngạc trước nhân cách kiên quyết nhưng cũng rất nhã nhặn/khiêm tốn của anh. Cuối cùng, ông cũng cúi xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, đến bỏ vào hộp đàn rồi lầm lũi bỏ đi.

Ít lâu sau, anh bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển. Ngày nhập học, anh ngỡ ngàng nhận ra một trong các vị thầy dạy chính là vị giám khảo nghiêm khắc đã đánh trượt anh trong cuộc thi tuyển, cũng đồng thời là người đàn ông đã ném những đồng tiền xuống đất, để rồi sau đó quyết định đưa anh trở lại Học viện.

Quả thực, “cúi xuống nhặt lên” lại là hành động khiêm nhường, thể hiện phẩm chất quý giá của một người có đạo đức. Biết “cúi xuống” mới là trưởng thành, biết “hạ mình” mới là cao thủ.

Bài học tâm đắc ngộ:

1. “Cúi đầu” không phải là yếu đuối, đó là sự cúi đầu giản dị/khiêm nhường của người có đạo đức/có văn hóa – chính là để hiểu mình/hiểu người; nhận ra giá trị của mình/của người; nâng người/tự nâng mình.

2. Người có trí huệ mới hiểu được phải khiêm tốn, học và biết cách “cúi đầu.

3. Học cách “cúi đầu” là đỉnh cao trí tuệ:

– Cúi đầu trước người nhà: cùng nhau trò chuyện/trao đổi/gỡ rối, để cuộc sống tìm thấy hạnh phúc của nó trong sự hòa bình và nhẹ nhàng nhất.

– Cúi đầu trước người ưu tú/người khác: giữ cho mình sự trầm ổn/bình tĩnh, khiêm tốn tiếp thu/học hỏi để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

– Cúi đầu trước năm tháng: để trân trọng biết ơn quá khứ/hiện tại/tương lai, nỗ lực làm tốt những việc đang làm/ ước mơ đang thực hiện, bảo vệ mình cùng những người thương yêu…

Nguồn: Facebook Phạm Thị Thanh Hương

By Editor

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *