Trong tình yêu, người Á Đông dường như rất đề cao tính “hy sinh”. Họ sẵn sàng vì yêu mà cố gắng/chấp nhận thay vì cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ, sống với sở thích của riêng mình. Câu chuyện về cặp vợ chồng già với hũ dưa chuột muối là một minh chứng sống động.
Trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô, có đôi vợ chồng già sống hạnh phúc và bình yên. Niềm vui chung của họ là cùng nhau chăm sóc vườn dưa chuột xanh tốt sau nhà. Ông cụ chăm sóc vườn dưa rất cẩn thận và thường nhật hái những trái ngon nhất để bà cụ muối dưa – thói quen đã lâu của bà.
Mùa đông tới, khi vụ thu hoạch dưa chuột kết thúc, ông cụ lại cần mẫn tìm hiểu thông tin và đặt mua loại giống tốt nhất. Xuân về, các con của ông bà giúp cha xới đất/gieo hạt, còn bà cụ tìm đọc thông tin/học hỏi bí quyết làm dưa chuột muối. Họ sống thân thiện và gần gũi với mọi người xung quanh. Vị khách nào đến chơi cũng được ông bà tặng một hũ dưa chuột muối.
Rồi một ngày kia, ông cụ qua đời. Mùa xuân năm đó, tất cả con cái tụ họp bên mẹ và nói: “Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, vậy nên chúng con sẽ thay cha tiếp tục mua hạt giống, gieo trồng và chăm sóc vườn dưa chuột cho mẹ”. Người mẹ mỉm cười đáp: “Cảm ơn các con, nhưng các con không cần làm như vậy đâu. Thật ra mẹ không hề thích muối dưa nhưng vì cha các con thích trồng dưa chuột nên mẹ mới hay muối thôi”. Những người con ngỡ ngàng vì trước khi cha mất, ông từng tâm sự với họ rằng, ông không hề thích trồng dưa chuột. Ông làm điều đó chỉ vì vợ ông thích trổ tài muối dưa”.
Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng lại mang đến một cảm giác buồn – vui xen kẽ. Cảm động, vui vì tình yêu đẹp của đôi vợ chồng già, họ đã sống cả đời vì nhau và sẵn sàng chấp nhận làm điều mình không thích chỉ vì muốn đối phương vui lòng. Song lại man mác sự tiếc nuối, bởi cả ông và bà đều chưa bao giờ thật sự chia sẻ suy nghĩ, sở thích của mình cho nhau nghe, họ sống hết mình cho đối phương đến mức bỏ quên sự yêu ghét của bản thân mình.
Bài học tâm đắc ngộ ra:
1. Sự hy sinh sẽ trọn vẹn khi cả hai biết chia sẻ để thấu hiểu, lắng nghe để yêu thương, cùng tìm đến sự hòa hợp/đồng thuận/đồng ngôn.
2. Hạnh phúc là được sống chân thật với những cảm xúc/sở thích của riêng mình, tôn trọng suy nghĩ/sở thích của nhau.
3. Cách đối đãi trong gia đình hòa hợp:
Người đàn ông: xem vợ như con gái để bao dung và thương yêu nhiều nhất nhưng không coi là cha để tránh: sự tự cao/ngạo mạn nội tâm, gia trưởng, buộc người khác phải làm theo ý kiến cá nhân mình, thiếu sự tôn trọng vợ. Xem con trai như huynh đệ để có thể nói chuyện/chia sẽ như anh em, xem con gái như tri kỷ để có thể lắng nghe/chia sẽ nhiều quan điểm trong cuộc sống.
Người phụ nữ: xem chồng như cha để kính trọng/thương yêu, giúp cho mình biết lắng nghe học hỏi điều hay lẽ phải nhưng không xem mình là con, xem con gái như tỉ muội và xem con trai như tri kỉ.
Nguồn: Facebook Phạm Thị Thanh Hương